Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
|
Thi
Hội trỏ vào kỳ thi dành cho những người đã đỗ Hương
cống / Cử-nhân (1), được tổ chức ngay sau năm thi Hương,
thường vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, và dài độ
một tháng thời nhà Nguyễn. Thời Lê, những năm 1463, 1467,
1652... chỉ dài một ngày, tức là hôm trước thi Hội, hôm
sau thi Ðình.
Lúc đầu, nước ta chưa phân biệt thi Hội với thi Ðình, chỉ có thi Thái học sinh, tức là thi Ðại khoa, Ðại tỷ cũng có khi gọi là Nam Cung thí (2). Tên thi Hội đến 1396 (thời Hồ Quý Ly) mới có, để phân biệt với thi Ðình / Ðiện thí là kỳ thi dành cho những người đã đỗ Hội thí, với mục đích sắp đặt người đỗ theo thứ bậc cao thấp, cho nên người ta thường coi thi Ðình là kỳ thi cuối của thi Hội, do đó cũng thường gọi thi Hội và thi Ðình với tên chung "Thi Hội". Vì thi Hội thường được tổ chức vào mùa Xuân nên còn có tên là Xuân Hội hay Xuân Vi (3), để đối với Thu Vi trỏ thi Hương tổ chức vào mùa thu (Vi là nơi sĩ tử thi). Tuy nhiên, thời Lê cũng có khi thi Hội vào mùa Thu hay mùa Ðông. Số người được dự thi Hội, đặc biệt thời nhà Nguyễn, rất ít so với số người thi Hương nên không cần dựng các trường thi ở địa phương như thi Hương. Thi Hội là kỳ thi chung cho sĩ tử cả nước, bao giờ cũng tổ chức ở kinh đô (Thăng-long từ Hậu Lê về trước, Thừa-thiên / Huế thời Nguyễn), học trò ở xa đi thi rất vất vả, đường thủy thì e sóng gió, giông bão, đường bộ phải leo đèo, vượt suối, ngủ rừng... khó nhọc có khi cả tháng mới đến nơi. |
I - THI HỘI TRƯỚC THỜI NGUYỀN |
1- NHÀ LÝ
Nhà Lý chỉ tổ chức được cả thẩy có bẩy kỳ thi : khoa thi đầu tiên (1075) gọi là thi Tam trường, năm 1165 thi Thái Học Sinh, và năm 1152 có Ðiện thí song thực sự chưa phải là kỳ thi để xếp người đỗ theo thứ bực cao thấp như thi Ðình sau này. 2- NHÀ TRẦN Khoa cử tổ chức đã có quy củ, phép thi tinh tường : 1232 thi Thái Học Sinh bắt đầu chia người đỗ ra Tam giáp (nhất giáp, nhị giáp và tam giáp) để phân biệt cao thấp. 1246 định lệ bẩy năm thi một kỳ Ðại tỉ. 1247 thi Ðại tỉ lấy đỗ Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa (tức ba người đỗ đầu Nhất giáp) và Thái học sinh 48 người. 1256/7 để khuyến khích việc học, mỗi khoa thi lấy đỗ tới hai Trạng-nguyên : Kinh Trạng-nguyên (ở Kinh đô) và Trại Trạng-nguyên (ở Thanh-Nghệ). Ðến 1275/6 thì bỏ lệ lấy đỗ hai Trạng-nguyên Kinh và Trại. 1304/5 đặt thể lệ thi Thái Học Sinh, phép thi đến đây mới bắt đầu : Kỳ 1 Thi ám tả truyện "Mục thiên tử" và thiên "Y quốc" Kỳ 2 Kinh nghĩa, kinh nghi (nghi ngờ, không rõ), chú thích nghĩa kinh Kỳ 3 Chiếu, biểu, chế, thơ, phú Kỳ 4 Văn sách để định thứ bậc (4). Lệ cho ba người đỗ đầu được từ cửa Long môn Phụng-thành ra xem phố phường ba ngày bắt đầu từ đấy. 1370 Ðịnh lại phép thi : Trường 1 bỏ ám tả, thi Kinh nghĩa Trường 2 thi thơ phú Hai trường kia như cũ. Từ nhà Lê về sau phỏng theo phép này (5). 1374 Lệ cũ thi Thái học sinh 7 năm một lần, lấy 30 người đỗ. Duệ Tông mở khoa thi Tiến sĩ lấy đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp , Tiến sĩ cập đệ v) Ðồng cập đệ thì không có định lệ, những thuộc quan ở Tam quán, Thái học sinh, Thị thần học sinh, Tướng phủ học sinh và những người có tước phẩm đều được vào thi. 1396 Hồ Quý Ly định năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, có đỗ thi Hội mới được thi Ðình, do vua thi một bài văn sách để định cao thấp. Tên thi Hội có từ đây. Phép thi 4 kỳ theo nhà Nguyên (bỏ ám tả Cổ văn) : Trường 1 Kinh nghĩa, 500 chữ trở lên. Trường 2 1 bài thơ Ðường luật, 1 bài phú Cổ thể, thể Ly tao hay Văn tuyển, 500 chữ trở lên Trường 3 1 chiếu, thể đời Hán ; 1 chế, 1 biểu, thể tứ lục đời Ðường Trường 4 Văn sách : 1000 chữ trở lên, hỏi kinh, sử, thời vụ. 3- NHÀ HỒ 1404 Hán Thương định lệ : tháng 8 thi Hương, tháng 8 năm sau thi ở Lễ bộ, đỗ thì bổ dụng, tháng 8 năm sau nữa mới cho thi Hội, lấy đỗ Thái Học Sinh. Ba năm một khoa, theo phép thi 3 trường của nhà Nguyên + 1 bài văn sách + thi viết và tính, cộng là 5 trường. Nhưng mới thi ở bộ Lễ rồi gập loạn phải thôi. 4- NHÀ LÊ Khi diệt xong nhà Hồ, người Minh cũng mở khoa thi nhưng sĩ tử trốn tránh không chịu thi. Nhà Lê phục quốc, công việc trị an bề bộn, Lê Thái Tổ chưa mở khoa Tiến-sĩ. Phép thi lúc đầu giản dị, chưa khôi phục được cái tinh vi thời Trần. 1429 mở khoa Minh kinh cho quân nhân, quan tứ phẩm trở xuống đến thi ở sảnh đường. 1433 Ðịnh lệ 3 năm một khoa, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. 1438 Ðịnh lệ 3 năm một khoa, phép thi 4 trường. 1442 Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Ðại-bảo thứ ba mới có bia Tiến sĩ (dựng năm 1484). 1448 Chia ra Chính bảng, Phụ bảng. 1463 16/2 thi Hội, 17/2 thi Ðình, 22/2 xướng danh. 1466 Ðịnh lệ thi Hội ba năm một kỳ vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. 1475 Ðịnh lệ thi Hội 4 trường : Trường 1 Kinh nghĩa 8 đề Tứ Thư, chọn 4 đề mà làm ; Ngũ kinh mỗi thứ 3 đề, riêng Kinh Xuân Thu 2 đề Trường 2 1 bài thơ Ðường luật, 1 bài phú dùng thể Lý Bạch Trường 3 chiếu, chế, biểu, mỗi thứ một bài Trường 4 văn sách hỏi kinh sử giống nhau khác nhau, những thao lược dụng binh của các tướng súy. 1499 Tháng 4 thi Hội, tháng 7 thi Ðình, tháng 10 triệu các Tiến-sĩ mới vào điện ứng chế. Vì phép thi ngày một sinh gian tệ nên phải đặt 20 điều phòng gian. Về thi Hội : phải nghiêm nhặt, cẩn thận, dán tên giữ kín, không được bảo nhau, viết thư trao đổi. Lễ bộ định phép thi, cận thần ra đầu bài, vua sửa rồi đưa xuống phòng thi. Những Tuần xước các khu mỗi ngày thay một lần. 5- THỜI LÊ / MẠC (1527-95) a- Khi nhà Mạc chiếm ngôi, sĩ tử thi ở Thăng-long. Thể lệ thi của nhà Mạc theo như nhà Lê : 3 năm một khoa, dẫu chiến tranh cũng không bỏ thi nên kén được nhiều nhân tài, chống chọi được với nhà Lê mấy chục năm. Sau khi Mạc Mậu Hợp bị chém ở Thăng-long (1592), nhà Mạc lui về Cao-bằng đến 1677 mới mất hẳn, trong thời gian ấy sĩ tử theo nhà Mạc thi ở Cao bằng, tiếc rằng sử sách không ghi chép những khoa này (6). b- Khi nhà Mạc chiếm giữ Thăng-long, nhà Lê lui về Thanh-hoa, sĩ tử theo nhà Lê thi ở Thanh-hoa, tại hành cung (chỗ vua ở). Lúc đầu chưa tổ chức thi cử, đến đời Trung Tông năm Thuận-bình mới bắt đầu mở Chế khoa. 1555 Năm Thuận-bình thứ 6, Trịnh Tạc thấy võ tướng nhiều, mưu sĩ ít, bắt đầu gấp rút cầu hiền, một, hai năm mở một Chế khoa ở hành tại (xã Biên thượng, Thanh hoa), ra văn sách. Khoa này lấy đỗ 13 người Xuất thân và Ðồng xuất thân. Ban áo mão, yến tiệc. 1580 Lê Thế Tông khôi phục thi Hội, bị ngừng từ 1533, khoa thứ nhất ở ấp Thang mộc, tại hành cung Vạn-lại, tuy chia ra hai giáp nhưng chưa có thi Ðình. 1583 mới có cả Thi Hội lẫn Thi Ðình, định ba năm một khoa. 6- NHÀ LÊ TRUNG HƯNG (1583-1788) Thời Trung Hưng, cuối niên hiệu Quang-hưng (1578-99) mới mở khoa Tiến-sĩ. Lề lối trường ốc vụng về, nhân tài không được thịnh như xưa. Ðời Cảnh-hưng (Lê Hiển Tông) đề mục chỉ moi móc câu hiếm, sách lạ, văn bài dở, chất nghèo nàn. Quy chế thi Hội : Chúa đến điện Giảng võ, sau đó Vua ngự giá tới. Chúa cùng các triều thần chầu lạy (sau Chúa được miễn lạy). _ 1595 Bắt đầu mở khoa thứ nhất ở Ðông kinh (Thăng-long). Ðịnh lệ 3 năm một lần như cũ (Mạc Mậu Hợp bị giết năm 1592, năm 1593 Lê Thế Tông trở lại kinh sư, hai năm sau Hội thí Cống sĩ ở bờ sông). 1643 Tháng Tiểu Xuân (= tháng 10) mở khoa thi Hội. 1652 26/4 thi Hội, 27/4 thi Ðình. 1670 Tháng 11 thi Cống sĩ, tháng giêng năm sau thi Ðình. 1688 Tháng 11 thi Cống sĩ, tháng chạp thi Ðình. 1691 Tháng 8 thi Hội, tháng 9 thi Ðình. 1739 Trịnh Giang nghe hoạn quan Hoàng Công Phụ, triệu sĩ tử vào thi ở Phủ đường. 1755 Nguyễn Quốc Khuê ra đề văn sách hỏi việc hành chính thời tam đại (7), nguyên là đề cũ, học trò xôn xao, khải Chúa là 5 năm mới có một khoa thi, Thiên tử trai giới để đến xem thi, hệ trọng như thế mà quan ra đề cẩu thả. Minh Vương bắt thi lại, sai Nhữ Ðình Toản ra đề, cổ văn chỉ hỏi một câu, còn đều hỏi về việc đương thời. 1779 Trịnh Sâm mở thịnh khoa : tháng 10 thi Hương, tháng 11 thi Hội, song văn bài thi Ðình không đưa vua duyệt như thường lệ. |
I I - THI HỘI THỜI NGUYỀN |
1807 Gia-Long
mở khoa thi Hương đầu tiên và định sang năm thi Hội, sau
thấy mới thống nhất đất nước, công việc bình định,
trị an còn bề bộn nên đình thi Hội.
1822 Minh-Mệnh mới tổ chức khoa thi Hội đầu tiên của nhà Nguyễn. Ðịnh phép thi : Kỳ 1 5 đề kinh nghĩa Kỳ 2 Chiếu, chế, biểu, mỗi thứ một bài Kỳ 3 1 bài thơ ngũ ngôn cổ thể, 1 bài phú 8 vần Kỳ 4 văn sách về cổ văn hoặc 10 đoạn, về kim văn hoặc 3, 4 đoạn. 1825 Ðịnh lệ thi Hội 3 năm một kỳ vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. 1834 Chưa dẹp xong loạn Lê văn Khôi, khoa thi Hương trường Gia-định tạm hoãn đến tháng 2 năm sau, tháng 5 thi Hội. Ðịnh ngày thi : Tiến trường1 tháng 3 Kỳ 1 4 tháng 3 Kỳ 2 9 tháng 3 Kỳ 3 14 tháng 3 Yết bảng 23 tháng 3. 1835 Ðịnh lại lệ thi Hội 3 kỳ. Trước kia, sĩ tử trong nước cùng thi chung, vua cho số người đỗ chưa được quân bình : Kẻ sĩ từ Kinh trở vào Nam sút kém về phân số (so với miền Bắc). Bộ Lễ bàn xin từ nay cho thi làm 2 lượt, đầu bài ra riêng, thi riêng ngày : a - Sĩ tử ở Thừa-thiên, các trực (Quảng-bình, Quảng-trị, Quảng-nam, Quảng-ngãi), Tả kỳ (Bình-định, Phú-yên, Bình-thuận, Khánh-hòa) trở vào Nam thi chung ; b - Sĩ tử Hữu kỳ (Hà-tĩnh, Nghệ-an, Thanh-hoa) ra Bắc thi chung (8) : Kỳ 1 Sĩ tử Tả kỳ, Kinh và các trực vào trường ngày 4 tháng 3 Sĩ tử Hữu Kỳ vào trường 6 tháng 3. Kỳ 2 Sĩ tử Tả kỳ, Kinh và các trực vào trường 11 tháng 3 Sĩ tử Hữu kỳ vào trường 13 tháng 3. Kỳ 3 Sĩ tử Tả kỳ, Kinh và các trực vào trường 18 tháng 3 Sĩ tử Hữu kỳ vào trường 20 tháng 3. Treo bảng 29 tháng 3. Vua dụ chia làm 2 lượt chưa tiện. Chuẩn cho thi cùng ngày nhưng chia ra 2 vi : Vi Giáp : Sĩ tử ở Kinh, trực và Tả kỳ trở vào Nam ; Vi Ất : Sĩ tử Hữu kỳ ra Bắc. Thu quyển xong, quan Ðề điệu chua rõ Vi Giáp hay Vi Ất vào phía dưới mấy chữ "Kỳ thứ mấy". Vi nào lấy bao nhiêu người Trúng cách, bao nhiêu Phó bảng, sẽ hạ chỉ đặc cách quyết định để cho được thăng bằng, thỏa đáng. 1838 Ðịnh lệ từ ngày tiến trường đến ngày xuất bảng là 18 ngày. Vua ngự xem thi Hội, gập lúc mưa rét, ban rượu cho quan trường và cấp cho cống sĩ hỏa lò, đệm cỏ. 1841 Khoa này trùng ngày Tế Giao (9) vào tháng 3 nên hoãn thi đến tháng 3 nhuận. Vua truyền chỉ :"Khoa trước cho than, khoa này cho ăn cơm là thịnh điển của triều đình ưu đãi sĩ phu. Sĩ phu các ngươi nên cố gắng bầy tỏ hết sở trường của mình để đáp lại lòng khuyến khích, cất nhắc nhân tài, nối việc chấn hưng văn trị của ta". Sắc cho bọn Vũ văn Giải :"Các ngươi là người làm cơm nên phải tinh khiết, cẩn thận cho các sĩ tử tài tuấn của ta được tiến lên". Lại truyền cho quan trường phải công bằng mà chấm văn bài, chớ câu nệ, bó buộc. 1851 Trở lại thi 4 kỳ : Kỳ 1 thi kinh nghĩa, kỳ 2 thi văn sách, kỳ 3 chiếu biểu luận, kỳ 4 thơ phú. Quyển văn viết chữ mực (đen) và quyển chép chữ son, cả bốn kỳ đều chi ra giấy lệnh của công. 1856 Ðịnh lệ thi Hội : Kỳ 1 7 đề kinh nghĩa, làm 3 là đủ, có quyền làm hơn Ky 2 chiếu, biểu, từ 300 chữ trở lên, luận 600 chữ trở lên Kỳ 3 thơ phú Kỳ 4 12 đạo văn sách, phải làm 8 : 3 kinh, 1 truyện, 2 sử, 2 thời sự. 1875 Hoãn thi Hội tháng 4 vì tháng 3 có sứ Pháp đến triều trao đổi Hòa ước (10). 1877 Ðịnh lại phép thi Hội, thi Ðiện : Ngày thi các quan văn vũ ứng trực ở Tả Hữu Vu (11) viện Ðãi lậu (12) một ngày. Ðến giờ thu không (13) nộp quyển, sĩ tử ra hết mới đượcvào ứng trực. Bắt đầu từ khoa sau. 1907 Trước kia sĩ tử từ Quảng-nam vào Nam thi ở vi Giáp, sĩ tử từ Hà-tĩnh ra Bắc thi ở vi Ất. Cao Xuân Dục, Sử quán Tổng tài, xin cho thi lẫn lộn. |
I I I - THỜI PHÁP THUỘC |
*1910 Khoa cải cách
đầu tiên do ảnh hưởng của Pháp :
Kỳ 1 10 đạo văn sách gồm 5 Kinh, 2 Truyện, 2 Bắc sử, 1 Nam sử. Làm 6 bài là đủ (2 Kinh, 2 Truyện, 1 Bắc sử, 1 Nam sử). Làm nhiều hơn hay làm cả 10 bài cũng được. Kỳ 2 Văn kim gồm 1 chiếu / dụ, 1 sớ tấu, 1 biểu. Kỳ 3 1 luận chữ nho. 2 luận quốc ngữ (đầu bài vẫn ra bằng chữ nho). Kỳ 4 10 đạo văn sách : 2 bài sử Thái Tây, 2 bài cách trí, 2 bài địa dư nước nhà, 2 bài nhân vật nước nhà, 2 bài thời sự. Làm 6 bài là đủ (2 thời sự, các thứ kia mỗi thứ 1 bài), làm hơn cũng được. Kỳ thi tình nguyện chữ Pháp dịch ra quốc ngữ. Ðầu bài do tòa Khâm sứ ra, đệ sang quan trường chuyển phát cho Cống sĩ mỗi viên một tờ. Quyển văn cũng đánh số, rọc phách. *1913 Khoa này chỉ cần làm 5 đạo văn sách, trước phải làm 6 đạo. Luận quốc ngữ thì toà Khâm xin cho ra đầu bài bằng quốc ngữ vì khoa trước ra đầu bài chữ nho, người Pháp chấm không hiểu. *1916 Ngày 19-6-1916, thi kỳ 1, có 260 Cống sĩ. Ngày 13-7-1916, các quan làm lễ Phục mạng, lấy đỗ thi Hội 13 người. Bảng để lên một cái án thư sơn son, khiêng ra yết ở Phu-văn-lâu. Ngày 31-7-1916 thi Ðình (14). *1918 Trích Nam Phong số 17 (11-1918) :"Kỳ thi Hội sang năm bắt đầu ngày mồng một tháng 3 ta (1-4-1919). Bộ Học tâu Hoàng thượng định thể lệ theo như cũ, rồi sau này thay đổi thế nào sẽ hay. Vậy kỳ thi sang năm chưa có gì canh cải. Nhưng có lẽ kỳ này là kỳ sau cùng vì nhà nước Bảo hộ đã cải lương việc học. Triều đình cũng quyết chí đổi mới (...) chắc cái đạo học cũ của thánh hiền vẫn phải bảo tồn, không nên để cho mai một đi vì nó là cái gốc của xã hội, của quốc gia mình, nhưng bảo tồn là bảo tồn cái tinh thần mà thôi, hà tất phải giữ khư khư cái hình thức cũ. (...) Hội thí nước ta trình độ có khác gì mấy bài vấn đáp cho học trò một trường phổ thông không ? Kỳ sang năm, các ông Cử nhân ngoài Bắc vẫn được vào ứng thí (15), nhưng phủ Thống sứ Bắc kỳ có nói trước cho bộ Học biết người nào đỗ Tiến sĩ hay Phó bảng vẫn giữ cái danh dự cũ mà không đủ quyền được bổ vào quan trường như trước. Quan trường ngoài Bắc đã sửa theo chương trình học mới, không có ngạch nào riêng cho các ông Nghè, ông Bảng mới sang năm". *1/4/1919 Khoa thi cuối cùng : Kỳ 1 5 đạo văn sách : Kinh, Truyện, thời sự, Nam sử, sử Thái Tây Kỳ 2 Chiếu, biểu, công văn Kỳ 3 2 bài toán 1 luận quốc ngữ đặt thành câu hỏi Kỳ 4 1 bài quốc ngữ dịch ra tiếng Pháp 1 bài chữ Pháp dịch ra chữ Hán 1 luận chữ Pháp. |
CHÚ THÍCH |
1- Tức là những
người đã đỗ thi Hương. Thực ra còn có những trường hợp
ngoại lệ, không có chân Cử nhân cũng được thi (Xem chương
"Thí sinh").
2- Ðại tỵ : TheoCương Mục, V, tr. 25, Chu Lễ viết :"Chức khanh, đại phu ba năm một lần đại tỵ, xét người để cất nhắc. Ðời sau gọi Thi Hương là Ðại tỵ". Nam cung thí : Cương Mục, XVII, tr. 31 : Năm 1779 yết bảng ở cửa Nam cung phủ chúa. 3- Theo chú giải của Souen K'i, Courtisanes chinoises à la fin des T'ang : chữ "Xuân vi" lúc đầu trỏ cung điện của Thái Tử, vì thi Hội được tố chức ở đấy nên gọi là Xuân vi, khác với cách giải thích "Xuân vi là thi vào mùa Xuân". 4- Xin xem Thi Hương, chương "Các thể văn". Paris : An Tiêm, 2002, của Nguyễn thị Chân Quỳnh. 5- Tuyết Huy, Nam Phong số 23, 5-1919, tr. 377. 6- Chính tại Cao-bằng bà Nguyễn thị Du cải nam trang đã thi đỗ Trạng nguyên. Xin xem "Bà Nguyễn thị Du, vị nữ Trạng nguyên độc nhất của ta sinh năm nào ?", Lối Xưa Xe Ngực...", Paris : An Tiêm, 1995, của Nguyễn thị Chân Quỳnh. 7- Tam đại = Hạ, Vũ, Thang. 8- Theo Minh-Mệnh Chính Yếu, I I I, tr. 269 thì Tả trực tính từ kinh đô ra Bắc gồm Thanh-hoa, Nghệ-an, Hà-tĩnh, Quảng-bình, Quảng-trị ; Hữu trực tính từ kinh đô vào Nam gồm Quảng-nam, Quảng-ngãi, Bình-định, Bình-thuận, Khánh- hòa, Phú-yên. 9- Tế Giao tức là là Tế Nam Giao : Hàng năm vua tế Trời ở đàn Nam Giao để tâu Trời những công việc mình đã làm và xin Trời phù hộ cho dân. Xin xem "Tế Nam Giao", Lối Xưa Xe Ngực...", I I, Paris : An Tiêm, 2002, của Nguyễn thị Chân Quỳnh. 10- Hòa ước Giáp-Tuất, nhưởng 6 tỉnh Nam kỳ và Hà-nội cho Pháp. 11- Tả hữu vu là 2 tòa nhà hai bên nối vào chính điện. 12- Viện Ðãi lậu là nơi các quan ngồi đợi giờ vào chầu vua. 13- Thu không : Ở kinh thành hay ở tỉnh gần tối lính hộ thành đi tuần hễ thấy không có gian té lộn vào thành mới ra hiệu cho đóng cửa thành, gọi là "Thu không" hay "Sưu không", ý nói là trong thành không có gì cả. Theo Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, tr. 103 : Ở huyện khi bắt đầu nhọ mặt người thi trại cơ đánh một tiếng trống, trại lệ đánh một tiếng chuông, mau dần cho tới khi trời tối thì chấm dứt. 14- R. Orband, "Ephémérides annamites" (Nhật chí an-nam), BAVH, No 4, Oct-Déc. 1916, 432-3. 15- Bắc kỳ bãi Khoa cử từ năm 1915 nhưng những người đỗ khoa thi Hương này ở Bắc vẫn được phép vào Kinh dự hai khoa thi Hội cuối cùng của toàn quốc vào những năm 1916 và 1919. |
TRÍCH |
THI HỘI (1) |
Từ hồi Trung-hưng
trở về sau mỗi khi gập khoa thi Hội (1) nào, ngày vào trường
kỳ thi thứ nhất, từ đầu trống canh năm trong ngoài đều
phải sẵn sàng, nghiêm chỉnh đâu đấy. Từ mờ sáng, trước
là quân cảnh, sau là quân Tất (2), Hoàng-thượng ngự ra điện
Giảng-sách, hoặc gọi là Ðiện-thí. Soái-phủ (chúa
Trịnh) đến trước ngự tọa làm lễ tham yết. Hoàng-thượng đứng dậy, truyền miễn lạy, mời ngồi. Trăm quan đều đội mũ phốc-đầu, mặc áo bổ-phục (3), đi hia, đeo đai chững chạc. Quan Khởi-cư thị thần ra đầu bài thi. Gần trưa, ngự giá về cung. Ðến kỳ thi thứ hai, thứ ba và thứ tư thì Soái-phủ đi thay, các bề tôi theo hầu chỉ phải đội mũ bình-đính, mặc áo thụng xanh, đi giầy buộc giải, làm lễ bốn lạy dâng đầu đề, rồi quan Khâm-sai chịu mệnh đi ra như kỳ thứ nhất. Trải qua các triều vua chúa đều lấy làm lệ thường. Niên hiệu Cảnh-hưng, năm Ất Mùi (1775), Thánh Tổ Tĩnh Vương (Trịnh Sâm) đến điện Giảng-sách, truyền cho trăm quan mũ áo triều yết phải đúng như khi Hoàng-thượng ngự ra xem. Quan Thượng Thư Nguyễn Bá Lân chỉ mặc thường phục, làm lễ bốn lạy, thưa rằng :"Từ xưa các đấng Liệt thánh Tiên vương vẫn giữ đạo tôn phù nhà vua, truyền dõi trải hơn hai trăm năm, nay một sớm thay đổi sợ để sự ngạc nhiên cho mọi người đến xem". Nguyễn Hoàn là Sư Phó Ðại thần, không biết can ngăn Chúa còn xin chém đầu ông Nguyễn Bá Lân để tạ thiên hạ. Chúa không vui lòng, bèn hồi loan. Tối hôm ấy, một người học trò ở trong trường ra về nghỉ, thay áo bên ngoài điện, ban đêm nghe thấy trong điện có tiếng người nói :"Ba giường (4) đã dứt, nhà Lê còn lâu dài sao được ?". Bừng mắt dậy tìm xem, trong điện vắng vẻ không còn một ai, bèn ra về. Sau khi (vạc đổ) thay đổi triều vua, người ấy mới kể câu chuyện này với người quen.
1- Nhan đề bài này là "Thi Hội", nhưng câu thứ nhì tác giả lại viết "hoặc gọi là Ðiện-thí" khiến người ta có thể hiểu đây là thi Ðình, và hai chữ "thi Hội" dùng theo nghĩa chung cho cả hai. Tuy nhiên, sau đó tác giả kể rõ có 4 kỳ thi thì đúng là thi Hội, vì thi Ðình chỉ có một kỳ thi văn sách mà thôi. 2- Quân Cảnh, quân Tất = quân lính phòng vệ, đi dẹp đường trước và sau, mỗi khi vua đi đâu. 3- Mũ phốc đầu = như mũ cánh chuồn. Bổ phục = miếng lụa hình vuông đáp ở trước ngực áo triều phục, thêu hình các loài chim nếu là quan văn, hình các loài thú nếu là quan võ. 4- Ba giường
= ba mối giường, tức Tam cương (liên hệ giữa vua
tôi, cha con, vợ chồng).
|
NHỮNG "CHỨNG NHÂN" THỜI HẬU LÊ |
Vì Khoa cử là
một vấn đề quan trọng đối với nước ta nên những người
ngoại quốc lưu tâm đến văn hóa nước ta khi viết sách đều
có ít nhiều nhắc đến Khoa cử. Tôi chọn sách của ba người
thời Hậu Lê, cuối thế kỷ XVI I, vì là những quyển xưa
nhất của ngoại quốc có nói đến Khoa cử Việt Nam. Dĩ nhiên
những chi tiết đưa ra có nhiều chỗ sai lầm, song dù sao cũng
là những tài liệu quý hiếm.
1- Alexandre de Rhodes (1593-1660) A. de Rhodes là một giáo sĩ người Pháp, tu dòng Tên (Compagnie des Jésuites). Năm 1624, sang Nhật định truyền giáo song lúc ấy Nhật đóng cửa ngoại giao nên phải cùng một số giáo sĩ đến Ðàng Trong. Năm 1627, tòa Thánh ủy thác cho ông dựng thêm cơ sở ở Ðàng Ngoài. Lúc đầu ông được Chúa Trịnh tiếp đãi nồng hậu nhưng đến năm 1630 thì ông bị trục xuất vì tội truyền giáo, phải đi Macao. Năm 1640 ông lén lút trở về giảng đạo, lúc ấy Ðàng Trong cũng cấm đạo rất ngặt. Năm 1645 ông bị kết án tử hình, sau được ân xá nhưng phải lập tức rời lãnh thổ nước Nam và từ đấy không trở lại nữa. Năm 1651 A. de Rhodes viết xong quyển Histoire du Royaume du Tonquin (Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài) trong có mấy trang nói đến Khoa cử, xin lược dịch : "Cứ ba năm một lần lại có một khoa, được yết thị cho công chúng biết. Kỳ thi đợt đầu tổ chức ở cung Bua (Vua), người ta gọi là Den (Ðiện ?). Trong ấy có rất nhiều phòng để sĩ tử làm văn bài. Các Tiến sĩ chủ trì khoa thi đều bị nhốt mỗi người một phòng với đầy đủ giấy, bút và mực. Mỗi người có một lính hầu. Thi trọn một ngày. Thí sinh làm bài xong mang đến nộp cho ông Chủ khảo, quyển thi có đánh dấu riêng từng người. Người đỗ gọi là Sin-do (Sinh đồ), tựa như Tú tài, được phát bằng do chính tay Bua ký để chứng thực và cũng là để được miễn một nửa sưu thuế hàng năm. Ðợt hai thi luật pháp. Thí sinh phải là người đã đỗ Sin-do từ ba năm trước. Ðỗ kỳ này gọi là Huan Com (Hương Cống), kể như đỗ Cử nhân. Họ cũng được phát bằng cấp, được miễn sưu thuế hoàn toàn và được bổ vào những chức quan Tòa không quan trọng. Ðợt ba thi Ten-si (Tiến sĩ), dành cho những người đã đỗ Cử nhân luật. Vì số người đỗ được ấn định trước cho nên tất cả những người có khả năng không phải ai cũng được lấy đỗ mà còn tùy thuộc ở những chỗ khuyết. Không những họ được miễn thuế mà các con họ dù không đỗ đạt cũng được miễn thuế. Các quan tòa thượng thẩm, các sứ thần cử đi Trung quốc, những người cầm đầu Nội các, đều được chọn trong số các Tiến sĩ. Những người không đỗ thì làm việc với các quan Tòa. Người ta nói xưa kia cỏn có một đợt thi thứ tư nữa nhưng nay không còn. Ðiều vẫn được thực hành là, vì Khoa cử được trọng vọng, nên từ quan chí dân ai ai cũng cho con đi học chữ nho khiến cho cả nước rất hiếm người không biết chữ. 2- J.B. Tavernier (1605-1689) Tavernier sinh tại Paris, từng du lịch rất nhiều nơi kể cả Á châu. Nhờ những chi tiết thu lượm được về địa lý, thương mại nên năm 1669 được phong vào hàng quý tộc, mua đất Nam tước d'Aubonne và tại đây đã viết hồi ký Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin (Quan hệ mới lạ với Vương quốc Ðàng Ngoài). Quyển này tuy viết sau A. de Rhodes nhưng lại nhiều chi tiết sai lầm hơn, có thể vì tác giả chưa từng sống lâu năm ở nước Nam, lại không biết ngôn ngữ. Xin lược dịch đoạn nói về Khoa cử : "Dân miền Bắc có tiếng là tài giỏi, chăm học nên thành công. Văn học của họ bao gồm cã luật pháp, toán học, Thiên văn học. Những ai muốn dự hàng quyền quý phải qua ba đợt thi : Sinde, Doucum và Tansi. Phải mất 8 năm học luật pháp mới được thi đợt đầu để được giữ chức Biện lý, Công tố viên hay Trạng sư. Người đỗ gọi là Sinde, tên được ghi vào sổ đệ trình lên vua. Ðợt hai thi các môn Thơ, Nhạc, Chiêm tinh để trở thành quan Tòa thẩm định môn Hát chèo, hài kịch của họ có máy móc thay đổi sân khấu mỗi hồi. Lại phải học Toán 5 năm và tự mình làm lấy những nhạc cụ. Mỗi năm thi một lần, do các Tansi khảo sát. Học thêm 4 năm chữ nho cùng với luật pháp cùng phong tục Trung quốc và An-Nam. Kỳ thi cuối cùng tổ chức ở bãi đất rộng bên trong tường vây cung điện bằng đá của vua. Người ta kể cho tôi nghe những chuyện rất buồn cười như có những khoa thi có tới 30 hay 40 000thí sinh. Tôi đã điều tra kỹ, chưa bao giờ sĩ số vượt qua 3000 người. Người ta dựng ở nơi thi 9 cái đài, một cái dành cho vua, 8 cái kia cho khảo quan và thí sinh. Tất cả các khán đài đều xây theo hình giảng đường có bậc để ai cũng trông rõ mọi sự. Vua và các quan chỉ có mặt hai ngày đầu trong số 8 ngày thi. Ngày cuối cùng tên các thí sinh nằm trong tay 16 ông quan, tên viết trên bảng to, bầy ở cung môn 8 ngày. Các Tansi được ban áo gấm tím và đất đai để hưởng hoa lợi. Vinh quy ngồi kiệu mạ vàng do 8 người khiêng. Ðược nghỉ ba tháng (về quê) khao vọng rồi mới trở lại triều đình để học hỏi về phép trị nước và công việc trong cung. Những người tài giỏi trong bọn được chọn cử đi sứ Trung quốc chứ không phải chọn những người giầu có." 3- Samuel Baron ( thế kỷ 17) S. Baron là người Hòa-lan lai Bắc, có lẽ sinh tại Ca-cho (Kẻ chợ tức Thăng-long), không rõ năm nào. Cha là đại diện cho công ty Ấn độ của Hòa-lan ở Ðàng Ngoài năm 1663, có thể đã sống ở đấy từ trước. S. Baron cũng làm cho công ty Ấn độ, cuối cùng bỏ đi buôn riêng ở vùng Ðông Nam Á. Những năm 1678, 1680, 1682 đều có trở về Cacho. Năm 1685/6 viết A Description of the Kingdom of Tonqueen (Tự sự Vương quốc Ðàng Ngoài), nhận là mình sinh ở Bắc. Về Khoa cử có thể đã chép theo A. de Rhodes. Quyển này viết sau Tavernier, chê Tavernier bịa đặt nhiều chuyện không đúng sự thật, song chính S. Baron cũng có nhiều chỗ sai lầm. Lược dịch : "Dân Ðàng Ngoài rất thích học với mục đích đạt những đặc quyền, đặc lợi. Họ có trí tuệ sáng láng và nhớ dai. Họ không có trường công. Phải học 12, 15 năm về luân lý, chính trị, lễ giáo trong Tứ Thư, nhưng không biết gì về Toán học và Thiên văn học. Danh vị đạt được không truyền cho tử tôn, chết là hết. Họ phải thi làm ba đợt : Singdo, tựa như Tú tài ở Âu châu, Hung cong, tựa như Cử nhân, Tuncy, là Tiến sĩ, người giỏi nhất trong bọn gọi là Trangivên được giữ những chức Giáo thụ, Ðốc học. Thi cử của họ được tổ chức hết sức công bằng, đáng khen. Ðối với các vấn đề khác thì họ cổ hủ, thiên vị nhưng trong việc phân phát bằng cấp thì họ đặc biệt tôn trọng người tài giỏi, xứng đáng. Những người kém cỏi không một ai được lấy đỗ trong những khoa thi nghiêm túc. Cứ ba năm một lần, vua chúa chọn 2 hay 3 Tuncies với mấy Wene quan (Huyện quan ?) hay quan Án đã đỗ Hương cống để làm khảo quan các trường thi Hương ở tỉnh. Khi được cử ra, những người này,trong suốt dọc đường đến trường thi, không được tiếp xúc với các thí sinh, hay nhận đút lót. Họ sống trong những căn nhà tranh, vách nứa, chung quanh rào tường. Khoảng đất trống ở giữa để làm khán đài (nhà Thập đạo ?). Các Tuncies sống riêng biệt, khác chỗ các Wene quan. Tất cả đều sống riêng rẽ,không được đi lại trò chuyện với nhau. Cổng có lính canh gác, ai qua lại đều bị khám xét, mang giấy có chữ liền bị tịch thu. 1- Sáng ngày thi, một viên quan đưa bảng chép 5 câu hỏi ngắn, viết chữ to để sĩ tử chép lại. Thí sinh bị khám xét xong ngồi xuống sân đất mà viết, cách những người lính canh một khoảng đều nhau, và phải làm xong bài trước chiều tối. Mỗi bài không được quá 24 trang. Mỗi quyển thi đều đính theo tờ khai tên tuổi, lý lịch, quê quán, tên cha mẹ. Các Tuncies tháo tờ này ra, đánh dấu quyển văn y như tờ khai lý lịch trên mặt quyển. Quyển thi chia theo tỉnh, làng, gửi cho các Wene quan chấm. Những quyển lấy đỗ do các Tuncies lọc lại một cách khắt khe, 4/5000 sĩ tử sau kỳ thi đầu chỉ còn 1000, sau kỳ thi thứ hai còn độ 500, sau kỳ ba chỉ có 300 người đỗ Tú tài. Những người đỗ kỳ đầu có tên yết trên bảng 8 hay 10 ngày để chuẩn bị thi kỳ nhì. Ðề mục kỳ nhì chỉ có ba câu, bài làm không được quá 12 trang. Ðề mục kỳ ba có hai câu nhưng khó hơn kỳ 1. Bài làm không được quá 8 trang. Người đỗ có tên ghi vào sổ, được miễn một nửa sưu thuế và hưởng vài đặc quyền. 2- Hung cong được chọn trong số những người đỗ Tú tài, tùy ý thích của vua. Họ cũng thi cùng một nơi với Tú tài, ngồi cách nhau một khoảng đều, cùng chung khảo quan, nhưng thêm một kỳ thi thứ tư. Những Hung cong đỗ khoa trước, trong thời gian có khoa thi, phải rời tỉnh đến kinh đô trình diện cho tới hết khoa thi. Có nhiều thám tử hàng ngày trà trộn vào để đếm xem có đủ số người đến trình diện, tránh gian lận (đi thi hộ). Các Thừa tuyên sứ / Hiến sát sứ các tỉnh khác cũng phải kiểm soát những Hung cong thuộc tỉnh mình y như thế. Ðề mục gồm ba câu hỏi lấy trong sách của Khổng Tử và bốn câu khác trong sách của môn đệ Không Tử (trỏ phần Truyện, trong Tứ Thư). Chủ khảo là các Tuncies. Người đỗ có lễ Xướng danh long trọng, hưởng nhiều đặc quyền hơn : được chiêm bái vua và được vua ban thưởng 1000 đồng tiền trị giá 1 đô-la, một mớ vải thâm may áo trị giá 3 đô-la. 3- Tuncy - Cứ 4 năm có một kỳ thi ở kinh đô hay trong sân một tòa cung điện đặc biệt, cửa bằng đá hoa, trước kia là cung điện đẹp nhất nước nhưng nay rơi vào tình trạng đổ nát. Khảo quan là vua và các hoàng thân, các tiến sĩ tài danh, các quan tòa thượng thẩm. Câu hỏi nhiều và khó hơn về luân lý, chính trị, luật pháp, và cả thơ cùng thuật hùng biện. Thi 4 kỳ kéo dài trong 20 ngày. Phải thuộc lòng cả bốn quyển (Tứ Thư) trong Cửu kinh của Khổng Tử. Sĩ tử ngồi viết trong những cái lồng tre nhỏ hẹp, trên phủ một mảnh vải. Họ bị khám xét trước khi vào thi. Thi từ sáng đến chiều, người ta phát cho giấy, bút, mực. Có hai ông tuncies ngồi canh ở xa xa, có lọng che. Thi bốn kỳ. Hai ngày đầu có vua chúa đến dự, những lần sau ủy thác cho các Thượng thư. Người đỗ được thưởng một nén bạc trị giá 14 đô-la, một tấm lụa và đất đai để ăn lộc, nhiều hay íttùy vua và tùy tài. Lễ khao vọng do dân làng cung phụng. Các quan tòa, các sứ thần gửi sang Trung quốc đều được chọn trong các Tuncies. Họ được phép đi giầy và đội mũ kiểu Trung quốc. Những người thi hỏng tiếp tục học, hay ra làm quan tòa hoặc làm tiên chỉ trong làng. Những người trượt tú tài thì làm việc với các Thừa tuyên sứ/ Hiến sát sứ. (...) Các môn chiêm tinh, Hình học, Toán, Khoa học trình độ không cao nhưng họ biết khá đầy đủ môn Số học". (S. Baron, Description du Royaume de Tonquin) |
NHỮNG NỖI GIAN TRUÂN TRÊN ÐƯỜNG ÐI THI HỘI |
Từ Thanh-hóa trở
vào, đường đã dần-dần khó-khăn. Rồi từ Hà-tĩnh mà đi,
càng ngày càng thêm những cảnh khủng-khiếp.
Suốt ngày luồn trong cây cối um-tùm, con mắt ít khi được thấy bầu trời. Rồi những hòn núi thẳng như bức tường lù-lù hiện ở trước mặt. Rồi những ngọn suối nước chẩy như bắn oằn-oài chắn ngăn lối đi. Có khi phải ngửa ngực trèo lên đỉnh núi. Có khi lại chống đôi gối mà bò dần xuống chân núi. Có khi đường đi vằn-vèo theo những bờ suối khuất-khúc, đứng trên đường trông xuống lòng suối, thăm-thẳm hàng mười mấy trượng, tưởng như trượt chân một cái, xương thịt sẽ vụn như cám. Khổ nhất là đoạn ở quãng núi Trồng. Cạnh một quả núi cao liền với trời, con kiến trèo lên cũng khó, lối đi phải vắt lên trên một đám đá mọc lởm-chởm. Cái đá mới ác làm sao, hòn nào hòn ấy, đầu nó nhọn như mũi gươm, đặt chân lên trên có thể thủng cả da thịt. Cho được tránh sự đau-đớn của đôi bàn chân, mỗi bước người ta cứ phải nhằm vào những vết nhẵn-nhụi của người đi trước, rồi nhún hai chân là nhẩy cho tới. Cái dép đã rách, đôi gối đã chồn, mà vẫn không thể tạm nghỉ. Bởi vì không có chỗ nào mà đứng. Bấy giờ Vân Hạc cũng như Ðốc Cung, ai nấy đều nhớ đến cảnh tượng Sạn-đạo mà hai chàng đã thấy trong sách Tầu, và đều nghĩ thầm :"Vị tất Sạn-đạo đã hiểm hơn con đường này. Nhưng từ thượng cổ người Tầu đã biết bắc ván đi qua, làm sao ngày nay nước mình vẫn chưa bắt chước kiểu đó ?". Ði thoát quãng đường ác-nghiệt, hai chàng đều thấy mệt nhoài. Nhưng vì sợ lỡ cung đường, không chỗ trọ, cho nên chỉ dám ngồi lại bên đường một lúc để giở xôi gói, cơm nắm ra ăn, rồi lại đi. Một hôm đương đi, thấy ở bên đường có mấy con dao đặt trên tảng đá. Ðốc Cung tưởng là của bọn tiều-phu nào đó nên không để ý, Vân Hạc nhìn đến mấy dòng chữ vôi nguệch ngoạc viết ở hòn đá liền đấy mới biết những con dao đó người ta dự-bị cho các hành-khách chặt những cành cây vì gió bão gẫy xuống ngang đường, sau khi dùng rồi, dao ở chỗ nào lại phải để lại chỗ ấy. Ði một quãng nữa, quả nhiên giữa đường có bụi nứa đổ lấp cả thân đường, không thể nào mà trèo qua được. Trong gánh hành-lý sẵn có đôi dao, hai chàng liền bảo hai người đầy-tớ phát hết đống gai-góc đó. Họ phát, chàng và Ðốc Cung thì kéo, thầy trò dọn mất một hồi khá lâu bấy giờ mới có lối đi. Lại một hôm khác, Vân Hạc vừa bị nhược sức về leo-trèo, vừa bị dãi-dầu trong sương gió, chàng thấy trong mình hầm-hập phát sốt, uể-oải đi không buồn bước. Ðốc Cung và hai người quẩy gánh cứ phải luôn luôn chờ-đợi. Tưởng chừng trời đã chiều rồi, theo lỗ thủng trong đám lá cây mù-mịt ngó sang dẫy núi bên kia, mặt trời đã nằm giữa sát đầu núi mà vẫn chưa đến chỗ trọ, hai chàng đều luống-cuống lo-sợ. "Ðêm nay đành phải ngủ ở ngọn cây". Vân Hạc bàn với Ðốc Cung như vậy. Nhưng các cây cối gần đó cây nào cũng cao von-vót và thẳng tuồn-tuột, dưới gốc không có một mẩu cành chánh thì làm thế nào mà leo lên được ? May khi lại gần thấy có mấy cây từ gốc đến chỗ xẻ trạc, có đóng một hàng đanh tre bằng ngón chân cái. Trước kia đã có người nào ngủ trên ấy, người ta đóng những đanh ấy để làm bậc trèo lên cho đễ. Một cây thấp nhất đã long mất vài cái đanh. Hai người đầy tớ phải đẵn tre đẽo cái đanh khác. Và họ giở gánh lấy dùi nhói và dùi đục ra, người nọ kề vai làm thang cho người kia đứng lên để nhói mấy lỗ ở thân cây và đóng đanh vào. Rồi họ đem các mã-tải dùng dây tam-cố buộc vào những cành đâm ngang, giống như người ta mắc võng. Ðó là chỗ ngủ của người đi rừng. Có thế mới khòi lo về nạn rắn rết beo cọp. Tay ôm thân cây, chân đạp vào các đanh tre, leo hết một đoạn gốc cây và đánh đu vào đoạn cành ngang để ngồi xuống tấm mã-tải, Vân Hạc cũng như Ðốc Cung, ai nấy rùng mình sởn gáy, bụng bảo dạ nếu nó đứt dây một cái thì thật tan xác. Hai chàng đã ngồi yên chỗ, hai người đầy tớ lại đi chặt lấy mấy tầu lá gồi buộc lên chiếc mã-tải để che cho người nằm dưới khỏi bị mưa sương, rồi họ mới trèo lên chỗ của họ. Trời tối như cửa địa-ngục. Nào cú kêu, khỉ ho, nào dế giun rên khóc, thỉnh-thoảng lại thêm những tiếng cọp gầm theo với ngọn gió tanh-tanh thối-thối ở nẻo xa-xa đưa lại. Biết bao nhiêu sự ghê-sợ rùng-rợn kéo đến chung quanh hai chàng ! Cơn sốt ở đâu nổi lên, Vân Hạc vừa nằm vừa rên hừ-hừ, chàng tự hỏi chàng :"Không biết có sống mà về được không ?". Rồi chàng gọi với Ðốc Cung và nói : "Nghĩ đến những lúc thế này thì dẫu đi thi đỗ đến ngọc-hoàng thượng-đế cũng không bõ công, đừng nói là đỗ tiến-sĩ !". Nằm thì nằm, vẫn không ai dám chợp mắt, vì sợ ngủ quên, giở mình sẽ bị ngã lăn xuống đất. Hôm sau, chờ cho trời thật sáng rõ mới dám bò xuống. Bấy giờ Vân Hạc đã tan cơn sốt, trong mình chỉ còn tải-mải mệt-nhọc. Bốn thầy trò lại kéo nhau đi. Ra đến cửa rừng trời lại sắp tối, trông lên những đám đồi núi lù-lù ở giữa trời, có thể tưởng như những con yêu quái khổng-lồ đương sắp đe-dọa nhân-gian. Sau đó, đường đi phần nhiều men ở lợi bể. Trên thì núi đứng thăm-thẳm, dưới thì sóng vỗ oàm-oạp, thân đường vừa quanh-quất, vừa nhỏ hẹp lại vừa gập-ghềnh lượn lên lượn xuống như leo cầu vồng. Bốn người lò-dò từng bước, chỉ sợ trượt chân xuống bể thì sẽ làm mồi cho cá. Ði mấy ngày nữa tới một khúc sông mênh-mông đứng ở bờ nọ không thể trông thấy bờ kia. Hỏi ra mới biết đó là phá Tam-giang, một cái cửa sông liền với mặt bể. Trong sông sóng đánh dữ-dội không kém sóng bể. Người ta nói rằng : ngày xưa còn rộng hơn nhiều, bây giờ nhờ có cát bồi nên đã hẹp bớt. Ði đò hết gần một ngày mới sang tới bờ bên kia, bốn người đều thấy lảo-đảo say sóng, thốc-tháo nôn mửa, nghỉ mất một đêm mới lại sức. Lận-đận gần hai mươi ngày nữa mới đến Huế, tính ra tất cả vừa hết một tháng mười ngày. Sau khi vào thành tìm được chỗ trọ, hai chàng nghỉ-ngơi vài ngày rồi cùng đóng quyển đem vào nộp ở bộ Lễ. Ngô Tất Tố (1894-1954) người Bắc-ninh, thi Hạch đỗ Ðầu xứ. Ðã tham gia kháng chiến lên Việt Bắc. Sự nghiệp trước tác khá đa dạng : tiểu thuyết (Lều Chõng, 1939 - Tắt Ðèn,1939 - Việc Làng, 1940) ; khảo cứu (Văn Học Ðời Lý - Văn Học Ðời Trần, 1942) ; dịch thuật (Ðường Thi, 1940 - Hoàng Lê Nhất Thống Chí, 1942)... |
ÐỨNG TRÊN NÚI HOÀNH SƠN (1) NHÌN RA BỂ |
Sóng trên mặt bể trắng xóa như đầu bạc, Gió táp xô vỡ chiếc thuyền lớn hàng muôn hộc. Sấm ran, chớp giật, trông rùng-rợn người, Mà trong vẫn có những con chim âu lềnh-bềnh như những cái chấm. Hơi bể quyện vào núi, núi lởm-chởm như ngón tay, Phía Bắc núi, phía Nam núi, suốt nghìn muôn dậm. Trên đường công danh, đã mấy ai nhàn ? Mũ lọng nhộn-nhịp, ta cũng đi đây ! Cao Bá Quát (2) Dịch giả Trần Huy Liệu (3) Trích Vũ Khiêu, Thơ văn Cao Bá Quát, 1984 1 - Hoành Sơn, cũng gọi là Ðèo Ngang, ở giữa hai tỉnh Quảng-bình và Hà-tĩnh, trên đường bộ giao thông Bắc-Nam. 2- Cao Bá Quát (1807-1854) tự là Chu Thần, hiệu Cúc Ðường, biệt hiệu là Mẫn Hiên, quê ở Phú-thị, huyện Gia-lâm, Kinh-bắc (Bắc-ninh) là em sinh đôi với Cao Bá Ðạt, và là dân ngụ cư ở Thăng-long. Năm 1831 ông thi đỗ Á nguyên trường Hà-nội, sau bộ Lễ duyệt lại hạ xuống cuối bảng Cử nhân, nghe đâu vì tính ông khinh người. Thi hỏng Tiến sĩ, mãi đến năm 1841 ông mới được triệu vào kinh giữ chức Hành tẩu bộ Lễ. Tháng tám năm ấy ông được cử làm Sơ khảo trường Thừa-thiên. Lúc chấm bài thấy có mấy quyển văn hay nhưng phạm trường quy, ông dùng muội đèn sửa hộ, việc phát giác, ông bị án trảm quyết. Vua Thiệu Trị giảm án xuống "giảo giam hậu", sau đổi ra "dương trình hiệu lực" nghĩa là cho đi công cán ở In-đo-nê-xia để chuộc tội. Theo Thực Lục : Khoảng 1852 ông làm Giáo thụ Quốc-oai (Sơn-tây), dân đói khổ, nổi loạn, ông từ chức rồi tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, tự xung là Quốc sư, khởi nghĩa phù Lê, chống lại triều đình và chết trận năm 1854 (chứ không phải bị giam rồi chết chém như ta vẫn tưởng). Ông nổi tiếng "văn hay chữ tốt", vua Tự Ðức tơn là "Thần Siêu (Nguyễn văn Siêu), Thánh Quát"). Bút tích còn rất ít và thơ văn chỉ giữ được một số chép lại ở Thư viện Khoa học (theo Vũ Khiêu). 3- Trần Huy Liệu (1901-69) sinh ở Nam-định. Là nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Gia nhập Việt Nam Quốc Dân Ðảng, bị bắt năm 1928, án 5 năm tù, sau đầy ra Côn đảo rồi theo Chủ nghĩa Cộng sản. Ðã viết cho Nông cổ mín đàm, chủ bút Ðông Pháp thời báo (1925-27), Tin Tức (1838)... Tác phẩm : Một bầu tâm sự, Ngục trung ký sự (1928). Thái-nguyên khởi nghĩa, Côn-lôn ký sự (1935), Thơ Trần Huy Liệu (1977).
|
|